Phó thủ tướng Trương Hoà Bình tiếp đoàn cử tri Long An

28/04/2019

Đây là lần đầu tiên, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An thực hiện tiếp xúc chuyên đề với cử tri là đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Buổi tiếp xúc nhằm lắng nghe tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp.

Tại buổi tiếp xúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Văn Cảnh cho biết, 3 tháng đầu năm 2019, kinh tế của tỉnh tiếp tục đạt những kết quả tích cực. Sản xuất nông nghiệp phát triển khá tốt, công nghiệp tiếp tục đạt tăng trưởng cao.

Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 11.000 doanh nghiệp đang hoạt động với số vốn đăng ký 272.300 tỷ đồng. Trong đó, có 969 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, số vốn đăng ký hơn 6,1 tỷ USD.

Toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp (16 khu đang hoạt động và 12 khu đang giải phóng mặt bằng và thi công hạ tầng kỹ thuật). Dự kiến, năm 2019 này có 4 khu hoàn thành hạ tầng và đi vào hoạt động với tổng diện tích khoảng 1.000 ha. Tỉnh cũng có 62 cụm công nghiệp được quy hoạch (22 cụm công nghiệp đã hoạt động và 40 cụm đang triển khai đầu tư).

Đáng chú ý, Long An được đánh giá là địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt, năm 2019 đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố).

Với môi trường đầu tư được đánh giá tích cực, luôn cải thiện qua các năm đã khiến hàng loạt nhà đầu tư lớn tìm đến với Long An, như Tập đoàn Becamex IDC-VSIP đang triển khai Khu công nghiệp-đô thị-thương mại với diện tích 3.045 ha; Tập đoàn Vingroup với 2 dự án lên đến hơn 5.000 ha; Tập đoàn Ecoland (Ecopark Hưng Yên) cũng với 2 dự án hơn 7.000 ha; Tập đoàn BRG cũng có tới 5 dự án gần 400 ha; Công ty TNHH Hoàn Cầu Việt Nam đầu tư vào nông nghiệp và đô thị lên đến gần 1.000 ha.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trao đổi với các cử tri – Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Về hạ tầng, nhiều tuyến đường giao thông quan trọng, cảng quốc tế… cũng đang được tỉnh triển khai, nhiều dự án hạ tầng lớn được đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Đánh giá cao nỗ lực của chính quyền Long An trong thời gian qua, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng nêu ra những bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư trên địa bàn thời gian qua, bày tỏ mong muốn thông qua Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng quan tâm, giải quyết.

Cử tri Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An nêu kiến nghị các ngành chức năng cần tập trung ưu tiên hàng đầu vào nạo vét luồng sông khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có cơ chế thúc đẩy giao thông đường thủy nội địa và đường biển. Theo ông Võ Quốc Thắng, vận tải đường thủy nội địa và ven biển, nếu được coi trọng đúng mức có thể nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại của Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An cũng nêu một thực trạng, liên quan đến Luật Đất đai, cụ thể, tại các địa phương, việc chuyển đất trồng lúa sang mục đích sử dụng khác rất khó khăn, phải theo đúng trình tự. Theo đó, dưới 10 ha phải kiến nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua; trên 10 ha phải xin phép Chính phủ phê duyệt, nếu được chấp thuận mới chuyển đổi.

Cho rằng quy định trên đang là nút thắt đã khiến nhiều nơi xảy ra tình trạng người dân tự chuyển qua mục đích sử dụng khác có giá trị kinh tế cao hơn, vì vậy, cử tri kiến nghị giao địa phương xem xét phê duyệt chuyển đổi phù hợp chủ trương đã được Chính phủ phê duyệt, không hạn chế hạn mức diện tích phê duyệt.

Cử tri Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An nêu kiến nghị đẩy nhanh giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp – Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng dự án phát triển hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội, cử tri Võ Quốc Thắng cho rằng, theo quy định hiện hành, có rất nhiều khâu, được quy định nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể, nhưng thực tế nhiều công trình đang vướng giải phóng mặt bằng, phải kéo dài nhiều năm. 

Vấn đề trên, ngoài việc khiến người dân không ổn định được cuộc sống, Nhà nước không phát triển được hạ tầng và kinh tế, thì các chủ đầu tư không triển khai được dự án dẫn đến thua lỗ và phá sản. Do đó, ông Võ Quốc Thắng kiến nghị các cơ quan chức năng cần quan tâm nhiều hơn đến việc thu hồi đất để phát triển hạ tầng.

Ngoài ra, cử tri Võ Quốc Thắng cũng cho rằng vấn đề an toàn giao thông đường bộ đang là vấn đề nóng bỏng trong cả nước, khi vẫn còn 19 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng trong quý I năm 2019, trong đó 10 tỉnh tăng trên 20% cùng hàng loạt vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, gây tâm lý hoang mang cho người tham gia giao thông. 

Dẫn thực tế tại doanh nghiệp của mình, với hàng trăm phương tiện vận tải nhưng hằng năm, các lái xe đều được kiểm tra chất kích thích đột xuất từ 3 đến 4 lần; thường xuyên kiểm tra nồng độ cồn của nhân viên lái xe khi ra, vào công ty, ông Võ Quốc Thắng kiến nghị cần tăng chế tài không chỉ đối với lái xe vi phạm mà phải siết chặt trách nhiệm chủ phương tiện, doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong sử dụng, quản lý lao động.

Ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bamboo Capital cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp đã đầu tư nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, như: Dự án nâng cấp mở rộng đường tỉnh 830 và 824 theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 1.070 tỷ đồng; dự án Trung tâm năng lượng mặt trời Thạnh Hóa doanh nghiệp đã đề xuất đầu tư với tổng công suất dự kiến lên đến 700 MW, trong đó, có 2 dự án tổng công suất 140 MW đã được phê duyệt; Phát triển Khu công nghệ cao (Hi-tech Valley) với quy mô 100 ha để thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực IT, công nghệ Nano, công nghệ vi sinh…; dự án thành phố thông minh (Smart City) quy mô 390 ha trong đó được quy hoạch ứng dụng năng lượng sạch, giao thông thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin. 

Cử tri Nguyễn Hồ Nam – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bamboo Capital nêu nhiều kiến nghị về lĩnh vực đầu tư năng lượng tái tạo và cơ chế loại hình đầu tư BT/BOT – Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Đại diện Tập đoàn Bamboo Capital nêu kiến nghị Chính phủ xem xét tiếp tục tháo gỡ cơ chế loại hình đầu tư BT/BOT để doanh nghiệp tiếp tục tham gia đầu tư vào một số dự án trọng điểm khác của Long An; xem xét cho phép lùi thời hạn hưởng ưu đãi về giá điện theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg và Thông tư số 16/2014/TT-BCT; xem xét có cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách thuế, thuê đất… cho dự án Khu công nghệ cao; cho phép được điều chỉnh bổ sung quy hoạch sử dụng đất, có cơ chế ưu đãi tiền thuê đất, thuế cho doanh nghiệp trong việc phát triển dự án thành phố thông minh…

Phát biểu với các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, buổi tiếp xúc là để Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An lắng nghe, ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của cử tri là các doanh nghiệp đang làm ăn, đầu tư tại Long An.

Phó Thủ tướng cho rằng, năm 2019 là năm thứ 4 thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 5 năm, giai đoạn 2016-2020 và là năm thứ 9 thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm, giai đoạn 2011-2020. Do đó, việc hoàn thành nhiệm vụ năm 2019 có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo nền tảng tiếp tục hoàn thành kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm để đất nước bước sang giai đoạn mới – thực hiện chiến lược 10 năm, giai đoạn 2021-2030.

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri – Ảnh: VGP/Mạnh Hùng 

Theo Phó Thủ tướng, năm 2018 và đầu 2019, môi trường đầu tư và kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Cải cách hành chính đã đạt kết quả đáng kể, đã cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2018 ở vị trí thứ 68/190 nền kinh tế được khảo sát. Đời sống mọi mặt của người dân không ngừng được cải thiện. Tình hình chính trị xã hội ổn định, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí đạt những kết quả quan trọng, đem lại niềm tin cho nhân dân và doanh nghiệp.

Đóng góp vào thành tựu trên có vai trò rất quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp cả nước, trong đó có các doanh nghiệp tỉnh Long An và các doanh nghiệp đầu tư vào Long An. 

Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, có những cơ chế chính sách phù hợp, đặc thù để vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Long An nói riêng phát huy tối đa nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư. Bênh cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn cần tích cực tìm hiểu tiềm năng, lợi thế, các cơ hội đầu tư trên địa bàn, kết hợp với nguồn lực của mình để có chiến lược đầu tư bài bản và hiệu quả, khơi dậy sức mạnh của địa phương, tạo thêm giá trị và mang lại lợi nhuận chính đáng cho doanh nghiệp.

Đối với những ý kiến, kiến nghị cử tri nêu ra tại buổi tiếp xúc chưa được trả lời thuộc thẩm quyền của tỉnh, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo và các cơ quan chức năng tỉnh Long An cần trả lời cụ thể bằng văn bản gửi tới cử tri. Với những kiến nghị thuộc thẩm quyền các bộ, ngành Trung ương, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổng hợp để báo cáo Thủ tướng giao các đơn vị trả lời, đồng thời gửi Văn phòng Quốc hội để báo cáo theo quy định.