Khát vọng vươn cao của Bamboo Capital

29/09/2020

Nhà máy năng lượng mặt trời BCG – CME Long An 1

(Tinnhanhchungkhoan.vn) Đầu tư lớn cho các dự án điện mặt trời, điện gió, Tập đoàn Bamboo Capital đang hiện thực hóa kế hoạch trở thành nhà phát triển năng lượng tái tạo lớn nhất Việt Nam, có danh tiếng trong khu vực.

Hiện thực giấc mơ năng lượng sạch

Tập đoàn Bamboo Capital (mã chứng khoán BCG) được biết đến là một trong những doanh nghiệp đầu tư lớn nhất vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam hiện nay. Các dự án được Tập đoàn triển khai và đầu tư đa dạng ở nhiều hình thức như cánh đồng năng lượng mặt trời, năng lượng mặt trời áp mái, năng lượng mặt trời nổi, cánh đồng năng lượng gió.

Tính tới thời điểm này, BCG Energy – công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn – đã triển khai thành công hai nhà máy điện năng lượng mặt trời, với tổng công suất 141 MW tại Long An – địa phương có nguồn năng lượng mặt trời rất dồi dào nhờ bức xạ kéo dài.

Đó là dự án BCG – CME Long An 1 (có công suất thiết kế 40,6 MW, đưa vào vận hành, phát điện lên lưới trước ngày 30/6/2019) và BCG – CME Long An 2 (có công suất 100,5 MW, đã đưa vào vận hành từ quý III/2020).

Ngoài ra, BCG Energy cũng đang triển khai nhiều dự án điện mặt trời áp mái tại các khu công nghiệp tại TP.HCM (các doanh nghiệp trong Hiệp hội Doanh nghiệp các khu công nghiệp TP.HCM…) và Quảng Nam, Bình Định, Tây Ninh.

Năm 2020, mảng năng lượng mặt trời áp mái được đặc biệt quan tâm nhờ lợi thế triển khai nhanh chóng và Chính phủ có định hướng giải quyết vấn đề quá tải hệ thống truyền tải điện.

BCG Energy đã ký kết nhiều hợp đồng nhằm triển khai gần 100 MW tổng công suất cho các dự án điện mặt trời áp mái. Trong đó, dự kiến thực hiện tối thiểu 50 MW trong năm 2020.

Đáng chú ý hơn cả trong số các dự án điện mặt trời mà Công ty triển khai là dự án Phù Mỹ tại Bình Định (được khởi công hồi cuối tháng 4/2020 với tổng vốn 6.200 tỷ đồng).

Dự án được triển khai trên khu đất 325 ha, tổng công suất thiết kế là 330 MW, dự kiến hoàn thành trước ngày 31/12/2020.

Khi đi vào vận hành, ước tính, Nhà máy sẽ đạt sản lượng điện khoảng 520 triệu kWh/năm, đồng thời giúp giảm phát thải khoảng 146.000 tấn CO2 ra môi trường.

Bên cạnh đó, Công ty cũng triển khai xây dựng dự án điện mặt trời 50 MW trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, theo kế hoạch sẽ phát điện vào cuối năm 2020.

Công ty cũng đang hoàn tất các thủ tục pháp lý cho các dự án năng lượng mặt trời, năng lượng mặt trời nổi, năng lượng gió tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Vĩnh Long…

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị BCG kiêm Tổng giám đốc BCG Energy cho biết: “Công ty đang sở hữu danh mục các dự án điện gió lên đến 652 MW. So với các dự án điện mặt trời thì đầu tư vào điện gió mang tính dài hơi hơn, tổng mức đầu tư lớn, quy trình công nghệ và thi công phức tạp hơn. Tổng mức đầu tư cho các dự án điện gió dự kiến lên tới 14.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020 – 2022”.

Kết nối những nguồn lực tiềm năng

Những con số về dự án, công suất và tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của BCG khá ấn tượng. Nhưng còn ấn tượng hơn từ câu chuyện của người trong cuộc.

Ông Phạm Minh Tuấn chia sẻ, dự án điện mặt trời Phù Mỹ 1, 2 và 3 có nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai trước kia, đặc biệt là trong công tác huy động vốn.

Khi BCG Energy thực hiện đầu tư, Công ty thể hiện quyết tâm sẽ hoàn tất dự án để đóng điện trước ngày 31/12/2020.

Hiện dự án đang có những bước chuyển biến đáng kể và ông Tuấn tin tưởng sẽ về đích đúng tiến độ, bởi “một khi đã cam kết, BCG sẽ làm rất nhanh”.

Để đạt được tốc độ thi công nhanh như cam kết, BCG phải có nguồn lực mạnh. Thứ nhất về vốn, là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, từng có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, các thành viên Hội đồng chiến lược của BCG có mối quan hệ rộng với giới tài chính trong và ngoài nước.

Tập đoàn có bộ máy nhân sự quản trị có hiệu quả, cộng với năng lượng tái tạo là ngành có tiềm năng tại Việt Nam nên các định chế tài chính đều tin tưởng để rót vốn. Trong 2 năm 2018 – 2019, BCG đã phát hành thành công hơn 1.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho mảng năng lượng tái tạo.

Với kênh gọi vốn quốc tế, BCG thiết lập mối quan hệ với các tổ chức như Tập đoàn Hanwha Energy (Hàn Quốc), Quỹ đầu tư JAIC (Nhật Bản). Một số thương vụ rót vốn đã được triển khai, chẳng hạn, Hanwha Energy đã rót 5 triệu USD vào công ty BCG Energy để đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, lãnh đạo BCG chia sẻ, Công ty cần vào khoảng 1 tỷ USD vốn trong thời gian tới. Trong đó, nguồn vốn ngoại sẽ được đơn vị tư vấn là KPMG Singapore hỗ trợ huy động.

Trên thực tế, từ tháng 6/2019, BCG đã triển khai gọi vốn 200 triệu USD trên thị trường quốc tế. Ông Tuấn cho biết, Tập đoàn đã gặp các nhà đầu tư vòng đầu và kỳ vọng từ giờ đến cuối năm sẽ chốt được 3 thương vụ, với giá trị 150 triệu USD.

Dù kênh gọi vốn quốc tế khá tiềm năng, song BCG vẫn xác định sẽ tự lực cánh sinh một tỷ trọng lớn. Đặc biệt, Công ty sẽ giữ cơ cấu cổ đông ổn định để chủ động trong chiến lược phát triển. Tập đoàn vẫn luôn nuôi giấc mơ xây dựng doanh nghiệp và thương hiệu Việt có tầm cỡ khu vực, như khát vọng của Chủ tịch Nguyễn Hồ Nam và các cộng sự.

Thông điệp này cho thấy BCG sẽ tập trung phát triển các dự án năng lượng để ra được sản phẩm cuối cùng, dù đây là lĩnh vực đòi hỏi trường vốn và đi đường dài.

Xác định như vậy nên nhân sự của BCG đều phải tự học hỏi và trưởng thành để có thể trở thành các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng.

Ông Tuấn (từng là nhân sự cấp cao của các định chế tài chính tại Canada như Bank of Montreal, Citigroup tại Toronto) và đội ngũ của BCG Enegy đã lăn lộn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo suốt 3 năm qua và đến giờ tích lũy được kinh nghiệm đáng kể trong lĩnh vực này.

Niềm tin của đối tác vào đội ngũ nhân sự cấp cao của BCG Energy mạnh đến nỗi đại diện một quỹ đầu tư chia sẻ: “Một trong những điều kiện tiên quyết của chúng tôi khi đầu tư vào doanh nghiệp như BCG là những lãnh đạo cấp cao sẽ phải thể hiện cam kết làm việc lâu dài cho doanh nghiệp. Nếu họ rời bỏ doanh nghiệp thì chúng tôi sẽ được quyền rút vốn. Chúng tôi tin tưởng vào dàn lãnh đạo của BCG và cơ chế quản trị mà doanh nghiệp này đang xây dựng cũng như các hiểu biết về thị trường và môi trường kinh doanh tại Việt Nam của họ”.

Theo kế hoạch, đến cuối năm nay, BCG sẽ đưa vào hoạt động các dự án có tổng công suất 380 MW điện, đem lại dòng tiền bền vững.

Bắt đầu từ năm 2021, cổ đông có thể kỳ vọng BCG sẽ đi vào giai đoạn tăng trưởng cao và ổn định. Cùng với ghi nhận lợi nhuận từ mảng bất động sản, BCG dự kiến doanh thu năm 2020 tăng 24% lên 1.913 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 31% lên 184 tỷ đồng.

Ông Tuấn cho biết, năm 2021, BCG kỳ vọng danh mục điện mặt trời và 4 dự án bất động sản sẽ có điểm rơi doanh thu vào năm này. Có lẽ bởi vậy, BCG đặt tham vọng lợi nhuận sau thuế tăng gấp 5 lần lên 917 tỷ đồng.

Mùa hè 2020 nắng như đổ lửa đã trôi qua, song dư âm của cơn khát điện có lẽ vẫn còn rất nóng bỏng. Bằng chứng là, từ nay đến năm 2030, mỗi năm, Việt Nam cần trung bình khoảng 7.500 MW công suất nguồn điện mới, với nhu cầu vốn đầu tư khoảng 7 – 8 tỷ USD/năm.

Để giải cơn khát này, Việt Nam đang rất cần sự góp sức và tham gia của các nhà đầu tư tư nhân như BCG. Cho đến cuối năm 2019, trong cơ cấu nguồn điện cả nước đã có công suất 19.253 MW thuộc khối tư nhân, chiếm tới 34,4%. Đầu tư, sản xuất – kinh doanh điện vẫn rất cần “tâm và tầm” của các nhà đầu tư để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.