Dự án cánh đồng lớn ca cao xen điều: Nhà nông lợi kép nhưng còn gặp khó

21/04/2017

Với quy mô lên đến cả ngàn ha, dự án cánh đồng lớn ca cao xen điều tại xã An Viễn, huyện Trảng Bom là dự án có diện tích và quy mô lớn nhất trong các dự án cánh đồng lớn đã triển khai trên địa bàn tỉnh.

Ca cao xen điều là mô hình canh tác có nhiều ưu điểm, vừa giữ được cây trồng truyền thống, vừa tăng thêm thu nhập từ cây ca cao, là hướng đi giúp nông dân giảm bớt rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện dự án chưa triển khai nhanh vì gặp khó do vướng quy hoạch nguồn điện lưới.

Giảm rủi ro cho nhà vườn

Năm nay, do ảnh hưởng của mưa trái mùa khiến phần lớn vườn điều tại xã An Viễn mất mùa, giảm năng suất. Ngược lại, 4 ha trong số 8 ha điều của ông Nguyễn Văn Thu, ấp 4, xã An Viễn lại mang đến niềm vui lớn cho gia đình khi cho năng suất lên tới 3,2 tấn/ha. Không chỉ cao gần gấp đôi so với nhiều hộ trong xã mà năng suất này cao hơn 4 tạ so với chính vườn điều của gia đình trong vụ năm 2016. Theo ông Thu, có được điều này chính là nhờ cây ca cao mà ông đã trồng xen theo dự án cánh đồng lớn ca cao xen điều gần một năm qua.

Lý giải cho điều này, ông Thu cho rằng, trồng điều thì nông dân không chăm sóc nhiều mà chủ yếu để cây tự phát triển. Tuy nhiên, khi trồng xen cây ca cao thì buộc người trồng phải tưới nước, bón phân. Nhờ đó, cây điều được “hưởng lợi” khi người trồng chăm sóc cây ca cao. “Ngay tại vườn nhà tôi là thấy rõ. Trong 8 ha điều, năm nay, nửa vườn có trồng xen ca cao thì điều đạt năng suất cao. Trong khi nửa vườn còn lại năng suất chỉ xấp xỉ hoặc thấp hơn năm ngoái”, ông Thu cho biết.

Vườn ca cao trồng xen điều thử nghiệm tại xã An Viễn, huyện Trảng Bom đã bắt đầu cho trái vụ đầu

Ông Đường Minh Giang, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Viễn (HTX An Viễn) – đơn vị chịu trách nhiệm khâu sản xuất trong dự án cánh đồng lớn ca cao xen điều cho biết, hiện nông dân đã trồng xen được 11 ha ca cao giữa vườn điều. Bước đầu, dù cây ca cao chưa cho thu hoạch nhưng lợi ích của dự án đã thấy rõ. Bởi việc trồng xen ca cao giữa vườn điều ngoài việc sẽ giúp người trồng tăng thêm thu nhập khi cây ca cao cho thu hoạch, trước mắt đã giúp cây điều phát triển tốt hơn.

Theo ông Giang, dù diện tích ca cao hiện chưa cho thu hoạch nhưng qua khảo sát thực tế cho thấy tổng thu nhập trên mỗi ha trồng xen là rất cao. Theo đó, hiện 1 ha điều tại An Viễn cho năng suất bình quân khoảng 2 tấn. Với giá bán bình quân 32.000 đồng/kg, mỗi năm, 1 ha điều cho thu nhập khoảng 64 triệu đồng. Còn cây ca cao trồng xen sau 1 năm rưỡi đã cho thu hoạch. Năm thứ 3 có thể đạt 10 tấn/ha và tăng dần đến 40 tấn/ha từ năm thứ 10 trở đi. Với mức giá sàn mà đơn vị thu mua đưa ra 4.000 đồng/kg, thu nhập từ cây ca cao có thể đạt từ 40 – 160 triệu đồng/ha. “Mô hình này không những giúp nông dân giữ được vườn điều mà còn tăng được thu nhập trên cùng diện tích canh tác”, ông Giang cho hay.

Đặc biệt, theo ông Giang, yếu tố khiến nông dân an tâm nhất khi thực hiện mô hình trồng ca cao xen điều chính là đầu ra cho sản phẩm. Hiện hạt điều vẫn chủ yếu tiêu thụ qua thương lái nên rất bấp bênh. Thế nhưng, đối với cây ca cao do nằm trong chuỗi liên kết của dự án cánh đồng lớn nên chủ đầu tư là Công ty CP Bamboo Capital đã cam kết bao tiêu đầu ra cho người trồng. Theo ông Giang, ngoài các hỗ trợ từ Nhà nước và công ty thì ngay từ khi đặt cây giống xuống trồng, nông dân đã biết ngay được nơi mình bán ca cao và giá mua nên họ rất yên tâm. “Khi mà nhiều loại nông sản liên tục rớt giá như vừa qua thì việc ngay khi mới trồng đã biết được nơi bán, giá bán là nông dân chúng tôi rất an tâm. Việc này giúp nông dân giảm nguy cơ rủi ro khi sản xuất”, ông Giang cho hay.

Dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ ca cao xen điều trên địa bàn xã An Viễn, huyện Trảng Bom được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện vào ngày 20-2 vừa qua. Chủ dự án là Công ty CP Bamboo Capital. Năm 2017, quy mô thực hiện dự án là hơn 111 ha, đến năm 2023 sẽ tăng lên 1.000 ha.

Gặp khó vì thiếu… điện

Triển vọng từ việc trồng xen ca cao giữa vườn điều là rất lớn, do đó hiện dự án đang rất thu hút người trồng điều trên địa bàn xã An Viễn. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích ca cao hiện gặp khó vì… thiếu điện.

Với kết quả từ 4 ha ca cao xen điều mang lại vừa qua, gia đình ông Thu rất muốn mở rộng việc trồng xen hết diện tích vườn điều còn lại của gia đình. Tuy nhiên,  do thiếu điện nên dù đã đào hố trồng, lắp đặt hệ thống tưới nhưng ông Thu vẫn chưa dám trồng mới thêm cây ca cao. Theo ông Thu, cây ca cao đòi hỏi phải được tưới nước thường xuyên, nhưng nếu không có điện thì không thể tưới cho cây. Hiện 4 ha ca cao xen điều của ông Thu phải dựa vào nguồn điện kéo nhờ từ xã Long Đức, huyện Long Thành để phục vụ việc tưới tiêu. Do khoảng cách xa nên không những tốn kém mà nguồn điện cũng rất chập chờn. “Ban ngày thì không thể nào tưới được, tôi phải canh nửa đêm khi mọi người đi ngủ, nguồn điện ổn định mới dám tưới. Do thiếu điện nên tôi chưa thể mở rộng thêm diện tích cây ca cao”, ông Thu cho biết.

Giám đốc HTX An Viễn cho hay, năm 2017, có 55 hộ dân đăng ký tham gia vào dự án cánh đồng lớn ca cao xen điều với diện tích hơn 100 ha. Tuy nhiên, do chưa có điện lưới cho vùng thực hiện dự án nên việc mở rộng diện tích cây ca cao đang gặp trở ngại.

Để thực hiện dự án cánh đồng lớn ca cao xen điều, từ tháng 9-2016, huyện Trảng Bom cũng đã tiến hành khảo sát để xây dựng hệ thống lưới điện phục vụ dự án. Tuy nhiên, do vướng mắc trong quy hoạch khi một phần diện tích dự án cánh đồng lớn này nằm trong phạm vi quy hoạch Cụm công nghiệp An Viễn nên đến nay, hệ thống điện vẫn chưa được xây dựng.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Lương Thị Lan, sau khi khảo sát, hiện địa phương đã có đề nghị gửi Sở Công thương hỗ trợ, tháo gỡ. Trước mắt, phối hợp với ngành điện có hướng đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện tại các khu vực không nằm trong quy hoạch cụm công nghiệp để phục vụ dự án cánh đồng lớn.Nhiều hỗ trợ nông dân tham gia dự án

Trong năm đầu, chủ dự án, Công ty CP Bamboo Capital sẽ hỗ trợ 20% tiền giống và phân bón. Những năm sau, nông dân chỉ phải trả trước 50% tiền phân bón, phần còn lại sẽ thanh toán khi thu tiền bán trái ca cao. Công ty sẽ ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm và sẽ tổ chức hướng dẫn tận tay về kỹ thuật trồng, chăm sóc ca cao cho nông dân trong suốt quá trình trồng. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng hỗ trợ 30% chi phí giống và 30% tiền xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm đối với nông dân tham gia dự án.

Nguồn: http://laodongdongnai.vn/Kinh-te/Doi-song-va-tieu-dung/6A121D/du-an-canh…