Những người trẻ cùng xây ước mơ lớn

03/02/2021

Cùng mơ giấc mơ lớn

Một ngày đầu năm 2021, chúng tôi may mắn “lấy” được gần 3 tiếng đồng hồ quý giá của Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc của tập đoàn BCG kiêm Tổng Giám đốc BCG Energy. Nói may là vì theo Tuấn đây là thời điểm hiếm hoi mà các lãnh đạo của BCG được phép nghỉ xả hơi sau một năm cày cuốc cật lực với thời gian làm việc đa phần hơn 18 tiếng mỗi ngày và thời gian ngủ trên xe, khách sạn nhiều hơn ở nhà.

Ông Phạm Minh Tuấn -  Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bamboo Capital kiêm Tổng Giám đốc BCG Energy 

2020 là một năm thực sự khó khăn của rất nhiều doanh nghiệp. BCG cũng vậy, nhưng những khó khăn, thử thách dường như lại trở thành động lực, khơi thông những sáng tạo của đội ngũ lãnh đạo toàn 7X đổ lại. Trong câu chuyện với Tuấn, chuyện chung và chuyện riêng cứ đan xen nhau, dù người nói và người nghe vẫn muốn tách bạch chúng ra, nhất là người nói luôn cho rằng đóng góp của mình còn nhỏ bé. Có lẽ đơn giản bởi vì đó là mối tương quan chặt chẽ dẫn đến những thành công bước đầu của họ. 

Tuấn kể về Nguyễn Hồ Nam, đồng môn của anh ở trường Monash (Úc), về những mong ước khát khao “muốn làm được điều gì đó” khi cả hai còn chưa qua tuổi tam thập nhi lập. Tuổi trẻ thì cũng chưa thể hình dung rõ đó là điều gì, nhưng họ đã cùng nhau đi tìm… Tuấn điểm qua các gương mặt lãnh đạo BCG, những người nằm trong nhóm sáng lập viên của công ty, từ Nguyễn Hồ Nam - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, đến Nguyễn Thế Tài - Tổng Giám đốc, Nguyễn Thanh Hùng, Phó Tổng Giám đốc, Hoàng Thị Minh Châu - Giám đốc Tài chính, Đinh Hoài Châu - Trưởng ban kiểm soát… đều ở đầu cuối của hệ 7X. Hai thành viên còn lại Lê Thị Mai Loan và Bùi Thành Lâm còn trẻ hơn, chỉ ở hàng 8X. Qua Tuấn, chúng tôi nhận thấy, họ có nhiều điểm chung: cùng trẻ, cùng trải qua môi trường đào tạo quốc tế, từng khẳng định mình ở các vị trí cao của các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài… trong đó điểm chung cốt tử có lẽ là cùng có khát khao “làm được gì đó” trên quê hương mình. 

Tuấn cho biết, sau khi tốt nghiệp ở Úc, anh và Nam mỗi người có một hướng đi. Dù vậy thì mỗi năm cả hai đều gặp nhau một lần để trao đổi về công việc, về mong muốn kết hợp cùng nhau. Tuấn nói: “Nhà tôi có câu chuyện cũng rất lạ, là cứ đầu năm, suốt từ 2009 đến 2017, tôi lại hỏi bà xã về ý định rời Canada về Việt Nam làm việc cùng Nam”. Khó quyết định là chuyện dễ hiểu vì 15 năm ở nước ngoài Tuấn đã khẳng định được bản thân ở vị trí nhân sự cấp cao của các định chế tài chính mà nhiều người mơ ước như Bank of Montreal, Citigroup tại Toronto… Đến 2017 câu chuyện này mới kết thúc khi Tuấn quyết định về, không dùng dằng nữa. Việc từ bỏ công việc ở nước ngoài để về Việt Nam chủ yếu là do Tuấn muốn góp tay cùng các đồng nghiệp thực hiện hoài bão lớn của Nam về việc xây dựng một doanh nghiệp có hệ thống quản trị theo chuẩn quốc tế, một môi trường làm việc chuyên nghiệp nhưng thoải mái và gần gũi với văn hóa Việt Nam.

Hoà nhập các phong cách Tây - Ta 

Không chỉ đội ngũ lãnh đạo mà lực lượng kế cận của BCG, hầu hết đều được đào tạo bài bản, không ít là từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Không những thế họ đều có thời gian làm việc ở nước ngoài, ở những doanh nghiệp tầm cỡ thế giới. Sự va chạm, giằng xé giữa hai phong cách làm việc là lẽ đương nhiên. Tuấn nói mọi người đều nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu của hai phong cách nhưng để hòa nhập lại với nhau, phát huy được điểm mạnh của cả bộ máy là chuyện tưởng dễ mà không dễ. “Tôi cũng mất gần 1 năm để điều chỉnh, nhiều lúc Nam cũng phải sốt ruột!”.

Nhờ chắt lọc được những điểm mạnh của hai phong cách nên ở BCG chủ trương xây dựng đội ngũ có mối quan hệ thân thiết, thấu hiểu nhau như người một nhà theo văn hóa Việt Nam, nhưng đồng thời, cũng xây dựng quy trình làm việc, cách thức trao đổi và nội quy công ty theo hướng nghiêm ngặt, chuyên nghiệp để mỗi cá nhân có thể độc lập làm việc một cách hiệu quả nhất. BCG luôn khuyến khích nhân viên tạo ra giá trị cho công ty và giá trị cho chính bản thân mình thông qua việc xây dựng thương hiệu cá nhân bằng cách làm việc giỏi và PR bản thân giỏi - một điều có vẻ khá lạ lẫm với văn hoá Việt. Không chỉ tin tưởng và mạnh dạn giao quyền, Nguyễn Hồ Nam còn luôn tôn trọng ý kiến của nhóm cộng sự. Hội đồng chiến lược của BCG hiện có 9 thành viên, với những quyết sách quan trọng, ý kiến của Chủ tịch Nguyễn Hồ Nam cũng có thể bị phủ quyết nếu Hội đồng chiến lược không thông qua. 

Sự kết hợp đúng mực hai phong cách văn hóa này đã giúp BCG đào tạo được đội ngũ nhân sự có kỷ luật, kỹ thuật cao khi làm việc độc lập nhưng cũng rất biết chia sẻ, đồng cảm khi làm việc nhóm.

Những thành công ấn tượng

Bắt đầu từ các dịch vụ tư vấn tài chính, tư vấn mua bán và sáp nhập khi mới đi vào hoạt động, đến nay, BCG đã mở rộng sang các thương vụ mua lại cổ phần của nhiều doanh nghiệp có tài sản tốt nhưng hoạt động dưới tiềm năng trong các lĩnh vực lắp ráp, xây dựng, sản xuất gỗ, cà phê… Từ khi thành lập đến năm 2015, 21 thương vụ mua bán, sáp nhập của BCG đã thực hiện thành công. Một con số không hề nhỏ!
Cuối 2017, BCG bước vào giai đoạn mới khi bắt tay tái cấu trúc, định vị lại chiến lược đầu tư, theo đó, tập trung vào 4 lĩnh vực cốt lõi gồm sản xuất và nông nghiệp, xây dựng và thương mại, cơ sở hạ tầng và bất động sản, năng lượng tái tạo. Từ cuối 2018, BCG đưa ra thông điệp thống nhất: phát triển công ty dựa trên năng lượng tái tạo và bất động sản - những lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn dù lợi nhuận chưa thể thấy ngay được.

Trong thời gian ngắn, BCG tiến hành hàng loạt các dự án bất động sản, tập trung vào phân khúc sản phẩm cao cấp. Các dự án nổi trội có thể kể đến là Malibu Hội An chuẩn quốc tế 5 sao với quy mô gần 1.000 căn hộ và biệt thự view biển; King Crown Village Thảo Điền (quận 2, TP.HCM) giai đoạn 1 quy mô 0,91ha với 17 villa, tòa nhà căn hộ 14 tầng; Casa Marina Resort (Ghềnh Ráng, Quy Nhơn) quy mô 1,5ha; Casa Marina Premium (Ghềnh Ráng, Quy Nhơn) quy mô 12ha. 

Dự án Malibu Hội An

Với mảng năng lượng tái tạo, từ 2019 BCG đã làm việc với các tập đoàn quỹ quốc tế để huy động vốn. Đến nay, BCG đã huy động thành công 5 triệu đô la Mỹ từ tập đoàn Hanwha Energy và 43,6 triệu đô la Mỹ từ Leader Energy nhờ uy tín trong việc quản lý tốt và luôn thực hiện đúng tiến độ các dự án. Năm 2020 cũng là năm BCG thành công trong việc sản xuất và đưa vào sử dụng gần 400MW điện từ năng lượng tái tạo; thực hiện được 2 dự án lớn là cánh đồng năng lượng mặt trời VNECO Vĩnh Long 49.3MW và Phù Mỹ 330MW cùng các dự án năng lượng tái tạo khoảng 47MW ở các địa bàn khác.

Dự án VNECO Vĩnh Long 49,3 MW

Kết quả này cùng với việc xin quy hoạch thành công dự án bất động sản Casa Marina (giai đoạn 2), dự án King Crown Infinity ở Thủ Đức - TP.HCM và dự án King Crown Village ở Thảo Điền - TP.HCM (giai đoạn bàn giao), BCG đã có một năm 2020 hết sức thành công ở cả hai mảng chiến lược.

Covid-19 tuy có làm trễ điểm rơi lợi nhuận của mảng bất động sản so với dự báo của BCG, nhưng kết quả cuối cùng vẫn cho thấy những gì ban lãnh đạo và HĐQT của BCG cam kết vào cuối năm 2018 đều trở thành hiện thực. Kết quả này đã củng cố niềm tin của các nhà đầu tư và trên sàn giao dịch, giá cổ phiếu BCG liên tục đạt trần trong nhiều phiên hồi đầu tháng 01/2021. 

Định hướng tương lai

Năm 2021 là năm mà theo dự kiến, BCG sẽ đạt lợi nhuận tăng 7 đến 8 lần so với 2020. Cụ thể, trong lĩnh vực bất động sản, hai dự án King Crown Village ở Thảo Điền và Malibu Hội An sẽ hoàn thành. Đối với năng lượng tái tạo, dự kiến BCG sẽ tiếp tục phát triển nhanh các dự án điện gió để tận dụng tối đa ưu đãi về giá điện của Chính phủ; đồng thời, tiếp tục phát triển các dự án điện mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời áp mái ở các khu công nghiệp hiện đang còn khá nhiều dư địa. 

Cùng với kế hoạch thực hiện các dự án lớn, việc nâng cấp cơ chế quản lý để tự thay đổi chính mình nhằm đáp ứng tốt nhất cho công việc là điều quan trọng mà ban lãnh đạo BCG cũng đang quyết tâm thực hiện trong năm 2021. Theo Tuấn, đã qua thời tự tìm kiếm dự án, giờ đây, BCG bắt đầu được nhiều nơi tìm tới mời làm dự án. Vị thế mới của BCG đòi hỏi phải có chính sách quản trị, điều hành mới cho phù hợp. 

Theo đó, việc quản trị, điều hành cần thoát khỏi sự phụ thuộc vào một cá nhân (là người sáng lập ra công ty như thuở ban đầu) hoặc phụ thuộc vào một nhóm các nhà quản trị (như hiện nay). BCG có tham vọng xây dựng một bộ máy tự vận hành với quy trình quản lý và điều hành thật chi tiết, khoa học, sao cho bộ máy lúc nào cũng vận hành trơn tru kể cả khi có sự thay đổi hay thiếu vắng bất cứ vị trí nhân sự nào trong bộ máy. BCG hiện đang bắt tay đào tạo thế hệ nhân sự kế cận và xây dựng bộ máy quản trị mới. Với đội ngũ hiện có gần 2.000 người, BCG đã tuyển dụng thêm 300 nhân sự trong năm 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nói trên. 

Những người BCG vẫn tràn đầy tự tin về tương lai, và với họ, những gì đã làm được chỉ là những bước khởi đầu của một hành trình đầy gian khó ở tương lai: định danh một thương hiệu doanh nghiệp Việt trên trường thế giới!

Box: Chia sẻ về nguồn vốn cần có cho các hoạt động trong năm 2021 tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, anh Nguyễn Hồ Nam cho biết BCG sẽ cần khoảng 1 tỷ USD. Nguồn vốn này sẽ được đơn vị tư vấn là KPMG Singapore hỗ trợ huy động từ nước ngoài. Trong nước, theo anh Phạm Minh Tuấn, BCG có thể sẽ huy động trước được 200 triệu USD ngay trong quý.

 

Nguồn: Nông thôn Việt